Dù thuộc hàng dự phòng từ 2002 và chưa thực chiến tại giải đấu nào song cây putter của Siêu Hổ được bán với mức giá 393.000 USD.
Nhiều năm trở lại đây, những vật phẩm liên quan đến môn golf luôn đấu giá ở mức cao, đặc biệt khi kỷ vật đó từng thuộc sở hữu của Woods – một trong những golfer vĩ đại nhất mọi thời đại.
Điều đó một lần nữa được chứng minh trong phiên đấu giá khép lại tối 28/8 của Golden Age Golf Auctions. Cụ thể, bản dự phòng được sản xuất vào năm 2002 theo nguyên mẫu putter Scotty Cameron Newport 2 giúp Woods 14 lần lên bục đăng quang trong 15 danh hiệu major đã thu về 393.000 USD, được cho là cây gậy golf đắt giá nhất ở thời điểm hiện tại.
Theo Ryan Carey, đồng sáng lập nhà tổ chức đấu giá nói trên, nhiều người tin rằng có khoảng bảy cây gậy thuộc diện dự bị mang “chấm đỏ” chính danh của Cameron còn tồn tại cho đến ngày nay. Trong đó, phiên bản hồi 2002 với ký hiệu “TW” phần đầu mặt gậy và “Scotty Cameron” dọc theo phần gót được mô tả “đã có 18 năm rong ruổi qua khu vực Đông Á, Trung Đông và châu Âu”.
Tháng 9/2020, một cuộc đấu giá tương tự với putter dự phòng đời 2001 được 154.928 USD, còn năm trước đó với “bản sao cấp hai” mang về gần 90.000 USD.
Tuy nhiên, cây gậy gạt của đấu thủ 45 tuổi không phải là hiện vật có giá cao nhất từ cuộc đấu giá hôm 28/8. Theo website đơn vị tổ chức, chiếc cúp The Masters 1974 của tay golf huyền thoại Gary Player đã được chốt ở mức 523.483 USD – cao thứ hai trong số những kỷ vật golf, chỉ sau áo green jacket của nhà vô địch Masters Horton Smith, đạt 682.000 USD hồi 2013.
Ngoài ra, cuộc đấu giá còn thu về 493.777 USD từ chiếc cúp golf tại Olympic 1904, kỳ cuối cùng môn golf góp mặt trong chương trình Thế vận hội trước khi tái xuất hơn một thế kỷ sau, ở Rio 2016. Carey cũng nhận định chỉ còn sáu chiếc cúp còn tồn tại, với bốn trong số đó đang ở các viện bảo tàng.
Phiên đấu giá của Golden Age Golf Auctions diễn ra chỉ một ngày trước mốc kỷ niệm 25 năm ngày Eldrick Tont “Tiger” Woods dự giải nhà nghề đầu tiên – Greater Milwaukee Open (29/8/1996 – 29/8/2021) ở sân Brown Deer Park, bước vào hành trình làm thay đổi mọi mặt làng golf thế giới và khẳng định tên tuổi của một huyền thoại.
Woods chỉ mất bảy lần xuất phát để sở hữu hai thắng lợi trong bộ sưu tập 82 danh hiệu PGA Tour – kỷ lục đồng nắm giữ cùng huyền thoại Sam Snead. Tính riêng các giải major, anh 15 lần vô địch, tích luỹ 683 tuần ở ngôi số một thế giới (bảng OWGR) – nhiều nhất từ khi bảng xếp hạng này ra đời vào 1986, là đấu thủ duy nhất thắng trọn bộ tứ major trong cùng một mùa giải (mùa 2000-2001). Tháng 10/2009, anh trở thành vận động viên thể thao đầu tiên có thu nhập vượt mốc 1 tỷ USD.
Sức hấp dẫn lớn của Woods qua hơn hai thập kỷ là tác nhân giúp tiền thưởng giải ở PGA Tour nói riêng tăng mạnh, từ 101 triệu mùa Siêu Hổ làm tân binh lên 292 triệu USD vào 2008. Đà năng này tương đương với 9,8% mỗi năm, gần gấp ba lần mức trung bình 3,4% giai đoạn 1990-1996. Các đồng nghiệp cũng được hưởng lợi đáng kể, với khoản thu nhập bổ sung tới 1,6 tỷ USD trong suốt 12 năm sau đó.
Siêu Hổ chưa đặt lịch trở lại với golf đỉnh cao sau vụ tai nạn xe hơi thoát “cửa tử” hồi tháng Hai. Anh vẫn trong quá trình hồi phục chấn thương chân phải nhưng dần ghi nhận các dấu hiệu khả quan. Lần xuất hiện vào đầu tháng 7 ở Los Angeles, Woods đã tự đi lại bằng nạng, còn phần chân bị thương chuyển sang mang vớ, thay vì bó bột.
Hôm 2/8, anh để ngỏ khả năng tái ngộ đồng nghiệp khi thông báo tăng danh sách sự kiện PGA Tour do anh chủ trì, Hero World Challenge (trong lịch từ 3-5/12 ở Albany) từ 18 lên 20 đấu thủ. Năm ngoái, giải đấu gây quỹ cho các hoạt động thuộc tổ chức từ thiện Woods sáng lập bị huỷ vì Covid-19.
Thanh Bình